Thỉnh thoảng chúng ta cần một âm thanh nào đó để nhắc nhở chúng ta trở về với hơi thở ý thức. Chúng ta gọi âm thanh đó là ‘tiếng chuông chánh niệm’.  Ở Thành Phố Hạnh Phúc, bất cứ khi nào nghe chuông đồng hồ, hay chuông sinh hoạt, chúng ta đều dừng lại. Đó là những tiếng chuông chánh niệm. Khi nghe chuông, chúng ta dừng lại, dừng lại mọi nói năng và sinh hoạt. Chúng ta buông thư toàn thân và ý thức về hơi thở của mình. Chúng ta làm một cách tự nhiên với niềm vui thích mà không phải là một hình thức cứng nhắc. Khi dừng lại thở, lấy lại năng lượng định tĩnh và bình an thì chúng ta có tự do, những công việc chúng ta đang làm trở nên thú vị hơn, những người bạn trước mặt chúng ta trở nên ‘thực’ hơn.

Đôi khi, thân chúng ta ở đây mà tâm chúng ta thì lại đang ở một nơi nào khác. Vì vậy chúng ta không thực sự có mặt trong ngôi nhà đích thực của mình. Tiếng chuông có thể giúp ta mang tâm trở về với thân. Đó là phương pháp chúng ta thực tập trong tu viện. Tiếng chuông có thể giúp ta trở về với chính mình, trở về với giây phút hiện tại, tiếng chuông được xem như một người bạn, một vị Bồ Tát giúp ta thức tỉnh.

Ở nhà, chúng ta cũng có thể sử dụng tiếng chuông điện thoại, chuông nhà thờ, tiếng khóc của trẻ em, hay ngay cả tiếng còi báo động, tiếng xe cấp cứu… để làm tiếng chuông chánh niệm của chúng ta. Chỉ cần ba hơi thở có ý thức là chúng ta đã có thể buông bỏ được những căng thẳng trên thân tâm và trở về với trạng thái tươi mát, trong lành của ta.

‘Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe’ có nghĩa là chúng ta nghe với tất cả trái tim của mình khi thở vào. ‘Quê hương’ là sự sống với tất cả những mầu nhiệm của nó đang có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Nếu thực tập giỏi thì nước Chúa hay cõi Tịnh Độ của Bụt sẽ luôn có mặt ngay bất cứ lúc nào chúng ta nghe chuông và trở về ngôi nhà đích thực của chúng ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *